Nội dung tóm tắt
Ở một số phụ nữ, đau bụng kinh có thể diễn ra rất nặng, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, học tập và công việc. Dù đây là biểu hiện bình thường và thường tự hết sau vài ngày, nhưng cũng không loại trừ khả năng đó là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa nguy hiểm. Vậy đau bụng kinh ở vị trí nào thì không cần lo lắng?
Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh là gì?
Theo Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, trước khi tìm hiểu đau bụng kinh ở vị trí nào là bình thường, hãy xem xét nguyên nhân gây ra những cơn đau này.
Hiện tượng đau bụng kinh, còn gọi là thống kinh, ảnh hưởng đến hơn một nửa phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt và thường kéo dài 1 – 2 ngày (theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ). Đau bụng kinh thường bắt đầu từ khi nữ giới có kinh và có thể giảm dần khi lớn tuổi, hoặc chấm dứt sau khi sinh con.
Có hai dạng nguyên nhân chính dẫn đến đau bụng kinh:
Nguyên nhân nguyên phát
Đau lặp lại hàng tháng và không liên quan đến bệnh lý. Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc tử cung phát triển để chuẩn bị cho trứng thụ tinh. Nếu không có thụ tinh, lớp niêm mạc sẽ bong ra và tử cung co bóp để đẩy nó ra ngoài. Sự co bóp này gây đau do thiếu oxy đến các mô tử cung. Ngoài ra, trong ngày đầu kỳ kinh, cơ thể sản sinh nhiều prostaglandin, khiến tử cung co bóp mạnh hơn, gây đau nhiều hơn trong 1 – 2 ngày đầu và giảm dần sau đó. Đau bụng kinh dạng này thường đi kèm với các triệu chứng như đau lưng, mệt mỏi, tiêu chảy và buồn nôn.
Nguyên nhân thứ phát
Đau xuất hiện bất ngờ và liên quan đến bệnh lý. Đây là dạng đau mới xuất hiện, kéo dài và có thể nghiêm trọng hơn theo thời gian. Nguyên nhân có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, hoặc viêm vùng chậu. Trong trường hợp này, cần đi khám bác sĩ ngay để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đau bụng kinh ở vị trí nào thì được xem là bình thường?
Đau bụng kinh sinh lý tuy không nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chị em. Điều quan trọng là cần xác định vị trí đau bụng kinh nào là bình thường và không đáng lo.
Nếu cơn đau xuất hiện ở vùng bụng dưới, cụ thể là khu vực dưới rốn (vùng hạ vị), nơi chứa các cơ quan sinh sản như tử cung, buồng trứng, và vòi trứng, thì đây là dấu hiệu bình thường. Ở một số người, cơn đau có thể lan từ bụng dưới ra lưng, đùi, hoặc xuống xương chậu, nhưng thường chỉ kéo dài 1 – 2 ngày đầu kỳ kinh rồi giảm dần.
Vị trí đau bụng kinh nào cảnh báo nguy hiểm?
Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng đặc biệt lưu ý, nếu cơn đau xuất hiện ở vùng bụng dưới nhưng kèm theo các triệu chứng bất thường, chị em nên đến cơ sở y tế để kiểm tra và tìm nguyên nhân kịp thời. Những dấu hiệu cần lưu ý bao gồm:
-
- Đau dữ dội, ngày càng tăng và không thuyên giảm dù đã sử dụng thuốc giảm đau.
- Cơn đau kéo dài dai dẳng, xuất hiện sớm trước kỳ kinh và kéo dài sau khi đã hết kinh.
- Kèm theo triệu chứng nghiêm trọng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, hoặc ngất.
- Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, lượng máu không đều, khi quá nhiều, lúc lại quá ít.
- Xuất hiện cục máu đông lớn và nhiều hơn bình thường trong máu kinh.
- Đau khi quan hệ.
Chị em bị đau bụng kinh cần lưu ý gì?
Dựa trên những phân tích về đau bụng kinh ở vị trí nào là bình thường, chị em cần lưu ý một số điểm sau:
Lưu ý vị trí đau và triệu chứng kèm theo
Theo dõi kỹ vị trí đau và các dấu hiệu bất thường giúp chị em kịp thời xử lý, tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Áp dụng biện pháp giảm đau hiệu quả
Một số cách giảm đau tại nhà mà chị em có thể thử bao gồm:
-
- Chườm nóng vùng bụng: Sử dụng túi giữ nhiệt, chai nước ấm, hoặc miếng dán để chườm lên vùng bụng dưới. Đảm bảo nhiệt độ phù hợp để tránh bỏng da.
- Massage nhẹ nhàng: Massage quanh vùng bụng bị đau, có thể dùng rượu hoặc gừng để gia tăng hiệu quả thư giãn.
- Uống nước ấm: Giúp làm giảm co thắt tử cung, từ đó giảm đau hiệu quả.
- Chế độ ăn uống hợp lý: Tránh thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, và chất kích thích. Thay vào đó, nên bổ sung rau xanh và trái cây để tăng cường sức đề kháng.
Thăm khám bác sĩ khi cần thiết
Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau để tránh biến chứng. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.