Viêm amidan mạn tính có thể ảnh hưởng đến cả người lớn lẫn trẻ em. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy đâu là nguyên nhân gây viêm amidan mạn tính và cách điều trị nào là hiệu quả nhất?
Các triệu chứng của viêm amidan mạn tính là gì?
Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, amidan là các tuyến lympho nằm sau cổ họng, đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, giúp ngăn chặn virus và vi khuẩn. Viêm amidan mạn tính xảy ra khi amidan bị viêm kéo dài, và có thể lan rộng đến vòm họng và amidan lưỡi.
Viêm amidan cấp tính nếu không được điều trị triệt để có thể tiến triển thành viêm amidan mạn tính. Một số yếu tố góp phần bao gồm: tiền sử bệnh đường hô hấp, vệ sinh răng miệng kém, ô nhiễm, chế độ ăn uống không lành mạnh, thay đổi thời tiết đột ngột, suy giảm sức đề kháng và hội chứng trào ngược dạ dày-thực quản.
Các triệu chứng của viêm amidan mạn tính bao gồm đau họng kéo dài, khó nuốt, ho mãn tính, amidan sưng đỏ, hơi thở có mùi, sốt nhẹ, sưng hạch bạch huyết, khó chịu ở cổ và thay đổi giọng nói.
Viêm amidan mạn tính có gây nguy hiểm không?
Không chỉ riêng viêm amidan, mà bất kỳ bệnh lý nào khi chuyển sang giai đoạn mạn tính đều trở nên khó điều trị hơn. So với giai đoạn cấp tính, viêm amidan mạn tính nguy hiểm hơn nhiều lần và có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe. Dưới đây là một số biến chứng có thể phát sinh từ viêm amidan mạn tính:
- Áp xe quanh amidan: Đây là hiện tượng sưng đau do sự tích tụ mủ quanh amidan, dẫn đến sốt cao, đau họng dữ dội và khó nuốt. Nếu không được can thiệp sớm, có thể dẫn đến áp xe thành bên họng và phù nề thanh quản.
- Viêm tai giữa: Viêm amidan mạn tính có thể dẫn đến viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc virus lây lan từ họng lên tai qua vòi Eustachian.
- Viêm mô tế bào amidan: Đây là tình trạng nhiễm trùng do virus tấn công sâu vào mô tế bào tại amidan, gây ra các triệu chứng như đau họng, cứng hàm, khó cử động hàm.
- Viêm cầu thận: Viêm amidan mạn tính kéo dài là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm cầu thận, với các triệu chứng như sốt nhẹ, đau quặn thận, đau bụng, và buồn nôn.
- Ngưng thở khi ngủ: Người bệnh có thể gặp khó thở do amidan sưng to gây tắc nghẽn đường hô hấp, thậm chí dẫn đến ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này kéo dài có thể gây giảm trí nhớ, mất tập trung và tăng nguy cơ tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim.
Theo Cô Trương Thị Thanh Nga, hiện đang giảng dạy tại Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM, người bệnh cần chủ động thăm khám để được tư vấn và điều trị dứt điểm, tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Phương pháp điều trị viêm amidan mạn tính
Phương pháp điều trị viêm amidan mạn tính cần được lựa chọn dựa trên kết quả chẩn đoán và được xem xét kỹ lưỡng bởi bác sĩ. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
Sử dụng thuốc: Việc dùng thuốc cần được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý mua thuốc để tự điều trị. Tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp, bao gồm các loại thuốc như:
-
- Kháng sinh;
- Thuốc giảm viêm;
- Thuốc giảm đau hạ sốt;
- Thuốc giảm ho, long đờm.
Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt amidan thường được cân nhắc cho những bệnh nhân mắc viêm amidan mạn tính nhiều lần trong năm, với mục đích loại bỏ vùng viêm nhiễm ở hầu họng và phòng ngừa các bệnh lý đường hô hấp.
Cắt amidan cũng được xem xét trong các trường hợp sau:
-
- Điều trị bằng thuốc không hiệu quả;
- Tắc nghẽn đường thở, ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ;
- Áp xe amidan;
- Khó nuốt khi ăn uống.
Phẫu thuật cắt amidan là phương pháp điều trị triệt để tình trạng viêm amidan mạn tính. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây đau đớn cho người bệnh trong quá trình thực hiện và tiềm ẩn một số rủi ro. Do đó, người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, đảm bảo thực hiện kỹ thuật cắt amidan an toàn và hiệu quả.