Tất cả những gì bạn cần biết về viêm dạ dày mạn tính

39

Viêm dạ dày mạn tính là một bệnh thường gặp trong hệ tiêu hóa và có thể phát triển thành ung thư nếu không được điều trị đúng cách. Vì vậy, việc hiểu rõ về bệnh là quan trọng để có thể phòng tránh và xử lý khi gặp phải.

Viêm dạ dày mạn tính là một bệnh thường gặp trong hệ tiêu hóa
Viêm dạ dày mạn tính là một bệnh thường gặp trong hệ tiêu hóa

Nguyên nhân nào gây ra viêm dạ dày mạn tính?

Theo Dược sĩ CK1 Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm, tổn thương hoặc bào mòn ở dạng cấp tính hoặc mạn tính. Trong trường hợp viêm dạ dày cấp tính, nếu được điều trị kịp thời và hiệu quả, có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, viêm dạ dày mạn tính thường khó chữa hơn và có nguy cơ cao phát triển thành loét hoặc ung thư dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm niêm mạc dạ dày mạn tính chủ yếu là do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) – chiếm khoảng 95% các trường hợp. Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể bao gồm chế độ ăn uống không lành mạnh, thói quen uống rượu, hút thuốc lá, căng thẳng, stress kéo dài và tác dụng phụ của một số loại thuốc. Viêm dạ dày mạn tính có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, nhưng người già, trẻ nhỏ và những người có bệnh lý nền thường dễ mắc bệnh hơn.

Viêm dạ dày mạn tính sẽ có những triệu chứng gì?

Triệu chứng của viêm niêm mạc dạ dày có thể đa dạng tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến giúp nhận biết sớm tình trạng này:

    • Đau âm ỉ ở vùng thượng vị (vùng trên rốn), thường xuất hiện sau khi ăn và kéo dài, gây cảm giác không thoải mái.
    • Ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, đầy hơi, khó tiêu.
    • Ăn uống kém, sụt cân.
    • Phân đen khi đi tiêu.
    • Da xanh, niêm mạc nhợt.

Theo Thầy Nguyễn Văn Đạt – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết, viêm dạ dày mạn tính thường có các triệu chứng tương tự những bệnh lý đường tiêu hóa khác, gây ra sự nhầm lẫn. Vì vậy, để đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp, việc thăm khám và chẩn đoán tại các cơ sở y tế đáng tin cậy là cần thiết. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, viêm niêm mạc dạ dày có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như loạn sản, dị sản, thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và thậm chí là ung thư dạ dày.

Các triệu chứng khi bị viêm dạ dày mạn tính
Các triệu chứng khi bị viêm dạ dày mạn tính

Chẩn đoán viêm dạ dày mạn tính như thế nào?

Để đưa ra chẩn đoán, bác sĩ thường bắt đầu bằng việc thăm khám lâm sàng và sau đó chỉ định các phương pháp chẩn đoán phù hợp. Các phương pháp chẩn đoán thông thường bao gồm:

    • Xét nghiệm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) thông qua mẫu máu, phân hoặc test hơi thở.
    • Chụp X-quang để kiểm tra tổn thương ở dạ dày.
    • Nội soi đường tiêu hóa giúp bác sĩ quan sát hình ảnh bên trong dạ dày, từ đó đánh giá mức độ tổn thương của bệnh.

Phương pháp điều trị viêm dạ dày mạn tính

Trong phần lớn các trường hợp viêm dạ dày mạn tính, bác sĩ thường kê đơn thuốc để giảm triệu chứng, ổn định lượng acid tiết ra và ngăn chặn sự phát triển nghiêm trọng của viêm. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống để hỗ trợ quá trình điều trị.

Thuốc: Thường thì các loại thuốc kháng acid, thuốc đối kháng histamin H2, và thuốc ức chế bơm proton thường được kê đơn. Đối với các trường hợp do vi khuẩn HP gây ra, việc sử dụng kháng sinh được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa.

Thay đổi chế độ ăn uống: Trong khẩu phần hàng ngày, nên tăng cường rau xanh, trái cây, và ưu tiên ăn thịt gà, cá, protein thực vật. Bổ sung thêm thực phẩm giàu probiotics như sữa chua và tránh rượu, bia, thuốc lá. Hạn chế muối, gia vị, đồ cay, nóng, đồ đóng hộp và ưu tiên ăn chín, uống sôi. Chú ý mua thực phẩm từ các nguồn uy tín và giữ vệ sinh sạch sẽ.

Sinh hoạt điều độ: Dành thời gian để nghỉ ngơi, kiểm soát chế độ ăn uống, nhai kỹ, và hạn chế thức ăn muộn. Tránh làm việc quá sức, tập thể dục đều đặn mỗi ngày và bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Viêm dạ dày mạn tính không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, bạn cần điều trị kịp thời và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để ngăn ngừa tình trạng trên.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn