Nội dung tóm tắt
Cảm giác đau nửa đầu không chỉ gây mệt mỏi mà còn ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, đồng thời có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Do đó, việc nhận biết triệu chứng sớm và điều trị kịp thời rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Vì sao có tình trạng đau nửa đầu?
Theo Dược sĩ CK1 Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, triệu chứng đau nửa đầu có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, từ nhẹ đến nặng và kéo dài từ vài giờ đến nhiều ngày. Ngoài cảm giác đau nửa đầu, người bệnh cũng có thể gặp phải buồn nôn, nôn mửa, khó chịu với ánh sáng và tiếng ồn.
Đau nửa đầu có thể phân thành hai loại chính:
-
- Đau nửa đầu nguyên phát: Phổ biến nhất là đau nửa đầu Migraine, cũng như đau đầu từng cụm.
- Đau nửa đầu thứ phát: Có thể do các tình trạng như đột quỵ não, u não, áp xe não, và máu tụ nội sọ.
Có nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ phát triển đau nửa đầu, bao gồm:
-
- Thay đổi nội tiết tố: Đặc biệt là ở phụ nữ trong giai đoạn kinh nguyệt khi nồng độ estrogen thay đổi.
- Yếu tố tâm lý: Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực công việc, và cú sốc tâm lý như mất người thân đều có thể gây đau nửa đầu.
- Sức khỏe thể chất: Thiếu ngủ, làm việc quá sức, và sự thay đổi múi giờ có thể gây ra mệt mỏi và tăng nguy cơ đau nửa đầu.
- Thực phẩm: Rượu, hạt, đường, cà phê, và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng nguy cơ đau nửa đầu.
- Môi trường: Ánh sáng mạnh, tiếng ồn lớn, mùi hôi khó chịu, và không khí ô nhiễm cũng có thể gây ra hoặc làm tăng đau nửa đầu.
- Lạm dụng thuốc: Sử dụng quá mức các loại thuốc giảm đau và thuốc an thần cũng có thể góp phần vào việc gây đau nửa đầu.
Các biến chứng có thể xảy ra khi bị đau nửa đầu?
Nếu không được khắc phục và điều trị kịp thời, đau nửa đầu có thể dẫn đến các biến chứng sau:
-
- Co giật: Bên cạnh cảm giác đau nửa đầu, người bệnh có thể phát triển các biểu hiện co giật tương tự như động kinh.
- Chóng mặt, mắt mờ và dễ gây tai nạn: Đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông hoặc leo thang.
- Mất ngủ: Cơn đau đầu thường xuyên có thể dẫn đến mất ngủ, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.
- Đột quỵ: Đau nửa đầu có thể làm giãn đoạn lượng máu lên não, dẫn đến giảm lượng oxy và dinh dưỡng cần thiết cho não, tăng nguy cơ đột quỵ.
- Trạng thái trầm cảm và lo lắng: Người bị đau nửa đầu thường dễ rơi vào tình trạng trầm cảm và lo lắng.
- Suy giảm chức năng não bộ: Đau nửa đầu làm giảm khả năng tập trung, suy giảm khả năng tư duy và ghi nhớ.
- Suy giảm thị lực: Cơn đau đầu có thể gây suy giảm thị lực.
Phương pháp khắc phục tình trạng đau nửa đầu
Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, để xác định phương pháp điều trị hiệu quả cho triệu chứng đau nửa đầu, việc thăm khám và chẩn đoán là cần thiết. Các phương pháp chẩn đoán thường bao gồm chụp X-quang đầu, cộng hưởng từ và CT scan sọ não, cấy dịch não tủy, và xét nghiệm máu.
Dựa trên nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ đề xuất phác đồ điều trị phù hợp. Đối với các trường hợp đau đầu nguyên phát, một số phương pháp hỗ trợ có thể bao gồm:
-
- Nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh, tránh ánh sáng quá mạnh để giúp cơ thể thư giãn và giảm cơn đau.
- Châm cứu: Một phương pháp đông y có thể giúp giảm đau nửa đầu và giảm căng thẳng.
- Thư giãn và giảm căng thẳng để làm dịu triệu chứng đau nửa đầu.
Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giảm triệu chứng và không điều trị bệnh. Do đó, việc đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Đặc biệt, những trường hợp sau đây cần đi khám ngay:
-
- Đau đầu dữ dội và đột ngột.
- Người trên 50 tuổi và thường xuyên bị đau đầu.
- Xuất hiện triệu chứng khác như buồn nôn, sốt, co giật, hoặc giảm thị lực cùng với đau nửa đầu.
- Phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh mà trước đó không bị đau đầu.
- Mất ý thức hoặc hôn mê liên quan đến đau nửa đầu.
- Cơn đau nửa đầu trở nên nghiêm trọng khi thực hiện các hoạt động như thể dục, hắt hơi, cúi người hoặc ho.
- Đau nửa đầu xuất hiện sau chấn thương đầu.
- Sử dụng thuốc giảm đau mà không có sự cải thiện.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nêu trên, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.