Vì sao mắc bệnh thủy đậu? Triệu chứng và cách phòng tránh

20

Gần đây, số ca mắc thủy đậu có xu hướng gia tăng ở mọi độ tuổi. Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến

Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu

Thủy đậu là gì và nguyên nhân do đâu?

Theo chia sẻ từ Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, thủy đậu, hay còn gọi là trái rạ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến, đặc biệt ở trẻ em nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh biểu hiện qua các nốt mụn nước xuất hiện khắp cơ thể, kể cả trong miệng và lưỡi. Nếu không điều trị đúng cách, thủy đậu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu

Bệnh do virus Varicella thuộc họ Herpesvirus gây ra, có nhiều điểm tương đồng với virus Herpes Simplex. Loại virus này có kích thước từ 150 – 200 nm, hình cầu và có thể bị tiêu diệt bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Tuy nhiên, virus Varicella có khả năng tồn tại trong cơ thể rất lâu và tái hoạt động nếu gặp điều kiện thuận lợi, như khi thời tiết nồm ẩm.

Con đường lây nhiễm

Virus thủy đậu lây chủ yếu qua:

    • Giọt bắn: Khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, hoặc ho.
    • Tiếp xúc trực tiếp: Qua dịch từ các nốt phỏng trên cơ thể.
    • Gián tiếp: Khi chạm vào các đồ dùng nhiễm dịch của người bệnh như bát đũa, bàn chải, khăn mặt hoặc thực phẩm.

Các giai đoạn của bệnh và biến chứng có thể xảy ra

Các giai đoạn phát triển và biến chứng của bệnh thủy đậu

  1. Giai đoạn ủ bệnh

Virus xâm nhập nhưng chưa có triệu chứng (10-20 ngày).

  1. Giai đoạn phát bệnh

Triệu chứng nhẹ: Sốt, mệt mỏi, nhức đầu, viêm họng, xuất hiện nốt ban đỏ.

  1. Giai đoạn toàn phát

Nốt ban thành mụn nước ngứa rát, chứa dịch đục, lan khắp cơ thể, cả trong miệng.

Người bệnh mệt mỏi, đau đầu, nhức cơ, chán ăn.

  1. Giai đoạn phục hồi

Sau 7-10 ngày, mụn nước tự vỡ, khô, bong vảy.

Vệ sinh đúng cách và dùng thuốc trị sẹo để tránh nhiễm trùng, giảm sẹo.

Biến chứng có thể gặp

    • Nhiễm trùng da: Do gãi, gây lở loét.
    • Viêm não, viêm màng não: Thường gặp ở người lớn, gây sốt cao, co giật, hôn mê.
    • Viêm phổi: Tức ngực, khó thở, ho ra máu.
    • Tổn thương cơ quan khác: Viêm thận, suy thận, viêm thanh quản, tai.
    • Ảnh hưởng thai nhi: Gây dị tật hoặc tử vong.

Nhận biết kịp thời giúp điều trị hiệu quả, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Điều trị bệnh thủy đậu như thế nào?

Điều trị bệnh thủy đậu
Điều trị bệnh thủy đậu

Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, hiện chưa có thuốc đặc trị thủy đậu, việc điều trị chủ yếu kiểm soát triệu chứng. Đa số bệnh nhân có thể tự chữa tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Để hiệu quả và tránh biến chứng, cần lưu ý:

  1. Cách ly để tránh lây nhiễm

Cách ly người bệnh khỏi người thân và cộng đồng ngay khi phát hiện dấu hiệu thủy đậu.

  1. Sử dụng thuốc hỗ trợ

Thuốc kháng virus: Chỉ dùng khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc giảm đau, hạ sốt: Dùng khi bệnh nhân bị sốt hoặc đau nhức.

Thuốc giảm ngứa: Không dùng thuốc chứa phenol cho trẻ dưới 6 tháng và phụ nữ mang thai.

Thuốc bôi ngoài da:

    • Xanh Methylen: Dùng cho các nốt mụn đã vỡ để ngăn nhiễm trùng và giúp khô nhanh.
    • Lưu ý: Tránh dùng Tetracyclin, Penicillin và thuốc đỏ để bôi.
  1. Chăm sóc và sinh hoạt hợp lý
    • Hạn chế làm vỡ các nốt mụn để tránh nhiễm trùng và lây lan.
    • Không ra ngoài và tránh tiếp xúc với gió.
    • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
    • Không chạm, sờ, hoặc gãi vào các nốt mụn.
    • Vệ sinh cơ thể nhẹ nhàng bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn.
  1. Lưu ý khi có dấu hiệu nghiêm trọng

Nếu người bệnh có triệu chứng như khó thở, tức ngực, ho ra máu, hoặc trở nên lờ đờ, cần đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Tiêm vắc xin là phương pháp phòng ngừa thủy đậu hiệu quả và bền vững nhất. Đặc biệt, đối với trẻ em, việc tiêm chủng đúng lịch và đủ liều là vô cùng quan trọng:

Mũi thứ nhất: Khi trẻ được hơn 1 tuổi.

Mũi thứ hai:

    • Với trẻ từ 1 đến 13 tuổi: Cách mũi đầu ít nhất 3 tháng.
    • Với trẻ trên 13 tuổi: Hai mũi cách nhau ít nhất 1 tháng.

Người lớn thường xuyên tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ cũng nên tiêm phòng để đảm bảo an toàn cho cả bản thân và trẻ. Nếu bạn đã tiếp xúc với người mắc thủy đậu nhưng chưa tiêm vắc xin, hãy đi tiêm trong vòng 3 ngày kể từ lúc tiếp xúc để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa bổ sung

    • Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân để tránh lây nhiễm chéo.
    • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với đám đông trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
    • Giữ gìn vệ sinh cơ thể và tay chân sạch sẽ.

Dù thủy đậu được xem là bệnh lành tính, nhưng không nên chủ quan bởi các biến chứng có thể rất nguy hiểm. Khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn và theo dõi điều trị đúng cách.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn