U nang phổi có nguy hiểm không? Nguyên nhân và điều trị như thế nào?

53

U nang phổi có nguy hiểm không là mối quan tâm của nhiều người bệnh. Thực tế, đây là dạng u lành tính và thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần theo dõi thường xuyên và tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa để ngăn ngừa biến chứng tiềm ẩn.

U nang phổi mặc dù lành tính nhưng vẫn còn theo dõi thường xuyên
U nang phổi mặc dù lành tính nhưng vẫn còn theo dõi thường xuyên

Tìm hiểu về u nang phổi

Theo chia sẻ từ Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, loạn sản tế bào phổi có thể dẫn đến sự hình thành u nang trong phổi. Mặc dù là khối u, nhưng chúng thường lành tính, không có tính chất ác tính và có thể xuất hiện trong lòng phế quản hoặc nhu mô phổi.

Các loại u phổi lành tính phổ biến bao gồm:

    • U tuyến phế quản: Hình thành trong phế quản hoặc tuyến nhầy, phát triển dưới dạng u nang.
    • Hamartomas: Chiếm hơn một nửa các trường hợp u lành ở phổi. Loại u này bao gồm mô liên kết, sụn, cơ và chất béo, thường có đường kính dưới 4 cm và phát triển khu trú, không lan sang mô xung quanh.
    • U nhú (Papillomas): Xuất hiện tại phế quản với ba dạng chính: u nhú tuyến, u nhú dạng vảy, và u nhú hỗn hợp.
    • Các u lành tính khác: Gồm các u phát triển từ mô liên kết hoặc mô mỡ như u lipomas, fibromas, neurofibromas, và chondromas.

Nguyên nhân u nang phổi xuất hiện

Hiện nay, vẫn chưa có lời giải thích chính xác về sự hình thành các u nang phổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng sự xuất hiện của chúng có thể do một số yếu tố sau:

    • Nhiễm virus HPV (virus gây u nhú ở người)
    • Có sẹo phổi, dị tật bẩm sinh hoặc dị dạng ở phổi
    • Nghiện thuốc lá lâu năm
    • U hạt Wegener và viêm khớp dạng thấp
    • Nhiễm các vi sinh vật có hại như nấm (bệnh nấm histoplasmosis, bệnh cầu trùng) và vi khuẩn lao.

U nang phổi có những biểu hiện gì?

Các triệu chứng của u nang phổi
Các triệu chứng của u nang phổi

Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, u nang phổi thường không có triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện tình cờ trong các lần khám sức khỏe, chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính. Một số trường hợp có thể biểu hiện triệu chứng như khản tiếng, thở khò khè, khó thở, sụt cân, mệt mỏi, ho dai dẳng, ho ra máu, sốt, hoặc viêm phổi.

Nếu khối u tiếp tục phát triển và xâm lấn mô xung quanh, bệnh nhân có thể trải qua cơn đau ngực dữ dội, lan ra sau lưng và bả vai, đặc biệt đau hơn khi vận động mạnh hoặc ho.

Nhiều người lo ngại u nang phổi có nguy hiểm hay không. So với u phổi ác tính (ung thư phổi), u nang phổi lành tính, phát triển chậm và không lây lan sang các cơ quan khác ngoài phổi. U nang có thể tái phát, nhưng thường ở vị trí cũ.

Vì vậy, câu trả lời cho nỗi lo lắng về sự nguy hiểm của u nang phổi là không. Chúng hiếm khi gây biến chứng nghiêm trọng và không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần theo dõi định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị, vì khối u có thể diễn tiến phức tạp hơn.

Đặc biệt, u nang có thể trở nên nguy hiểm nếu nằm gần mạch máu lớn, như động mạch chủ vùng ngực. Nếu khối u lớn có thể chèn vào phế quản, nó có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi, gây xẹp phổi hoặc viêm phổi.

Điều trị u nang phổi như thế nào?

Bệnh nhân bị u nang lành tính có thể được chỉ định dùng thuốc để giảm kích thước khối u hoặc ngăn chặn sự phát triển của nó. Đồng thời, họ cũng cần khám định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm để theo dõi tình trạng bệnh.

Phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

    • Khối u ngày càng lớn mà không có dấu hiệu ngừng phát triển.
    • Bệnh nhân gặp các triệu chứng như khó thở và các dấu hiệu bất thường khác liên quan đến đường hô hấp.
    • Người bệnh thường xuyên hút thuốc lá.
    • Các chỉ số xét nghiệm cho thấy khối u có khả năng biến chứng thành u ác tính.

Tùy vào tính chất, vị trí và mức độ nghiêm trọng của khối u, bệnh nhân sẽ có lựa chọn phẫu thuật khác nhau, có thể bao gồm loại bỏ một phần khối u, cắt bỏ một hoặc nhiều thùy phổi. Mục tiêu của phẫu thuật là tối thiểu hóa số mô phổi cần loại bỏ và bảo toàn chức năng hô hấp cho bệnh nhân.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn