Da mặt bị ngứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Thông thường, tình trạng này không đáng lo và dễ dàng khắc phục. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo, nên bạn cần cân nhắc việc thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ra tình trạng da mặt bị ngứa
Theo Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, ngứa da mặt là vấn đề phổ biến ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân khác nhau như yếu tố môi trường, chăm sóc da không đúng cách, hoặc các bệnh lý bên trong cơ thể. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ngứa da mặt:
Da khô: Thiếu độ ẩm có thể do cơ thể mất nước hoặc do yếu tố môi trường như thời tiết khô hoặc lạm dụng điều hòa. Khi da khô, nó thường bị căng, bong tróc và ngứa ngáy.
Thay đổi hormone: Sự biến đổi hormone trong cơ thể có thể làm mất cân bằng các yếu tố giữ ẩm tự nhiên của da, khiến da khô, ngứa, bong tróc, mất độ đàn hồi và nổi mụn. Điều này thường gặp trong giai đoạn mang thai, tiền mãn kinh hoặc ở tuổi dậy thì.
Da bị dị ứng: Da mặt có thể bị kích ứng khi sử dụng mỹ phẩm không phù hợp hoặc chứa các thành phần gây dị ứng, dẫn đến ngứa ngáy, phát ban và mẩn đỏ. Dị ứng còn có thể do tiếp xúc với chăn, gối, đệm không được vệ sinh kỹ, hoặc các tác nhân như xà phòng, nước hoa, phấn hoa, lông thú cưng và mạt bụi.
Thực phẩm gây dị ứng: Các loại thực phẩm như đậu phộng, đậu nành, hải sản, hoặc các chất kích thích có thể gây dị ứng da, dẫn đến ngứa ngáy, phát ban và mẩn đỏ.
Viêm nhiễm da: Nếu da mặt ngứa đi kèm với tình trạng có vảy, sưng đỏ, nổi mụn, có thể đây là dấu hiệu của viêm da tiết bã nhờn, nấm da hoặc các loại mụn viêm nhiễm.
Bệnh lý bên trong cơ thể: Một số bệnh lý như viêm nang lông, vảy nến, zona thần kinh, hay các vấn đề về gan, thận, tuyến giáp, và máu có thể gây ngứa da mặt. Các triệu chứng này thường mờ nhạt, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cơ địa nhạy cảm: Người có da nhạy cảm do cơ địa hoặc hệ miễn dịch yếu dễ bị kích ứng, gây ngứa ngáy. Do đó, việc chăm sóc da kỹ lưỡng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng.
Nguyên nhân khác: Theo Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, ngoài những yếu tố trên, ngứa da mặt còn có thể do vệ sinh sai cách, không làm sạch kỹ da mặt khiến vi khuẩn, bụi bẩn tích tụ, gây viêm nhiễm. Quá trình lão hóa tự nhiên cũng làm giảm độ ẩm của da, khiến da trở nên mỏng và dễ kích ứng. Côn trùng cắn, đặc biệt là các loại ký sinh trùng như rận, ve, bọ chét, cũng có thể gây ngứa da mặt. Ngoài ra, căng thẳng và stress kéo dài cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến da dễ bị tổn thương và ngứa ngáy.
Cách xử lý tình trạng da mặt bị ngứa
Khi da mặt bị ngứa, bạn tuyệt đối không nên dùng tay hay các vật cứng để gãi vì điều này có thể làm tổn thương da, gây nhiễm trùng. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, việc nhận diện chính xác nguyên nhân và áp dụng các biện pháp thích hợp là rất cần thiết. Dưới đây là một số phương pháp mà bạn có thể tham khảo:
Dưỡng ẩm da: Nếu da bị khô gây ngứa, hãy chọn các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp, ưu tiên những loại chiết xuất từ thiên nhiên. Ngừng sử dụng ngay lập tức nếu mỹ phẩm hiện tại khiến da bạn bị ngứa.
Điều trị viêm da: Nếu bạn bị viêm da dị ứng hoặc viêm da tiếp xúc, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng. Sử dụng kem chống viêm theo chỉ định của bác sĩ để giảm ngứa. Không tự ý dùng thuốc kháng histamin hoặc kem steroid nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
Tránh thực phẩm gây dị ứng: Nếu bạn nghi ngờ rằng ngứa da do thực phẩm, hãy loại bỏ các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng khỏi bữa ăn của mình. Nếu không cải thiện, nên làm xét nghiệm dị ứng để tìm nguyên nhân cụ thể.
Giữ vệ sinh da: Rửa mặt đều đặn với sữa rửa mặt dịu nhẹ, tránh nước quá nóng để không làm mất độ ẩm tự nhiên của da. Ngoài ra, hãy:
-
- Hạn chế việc chạm tay lên mặt để giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn xâm nhập.
- Thay vỏ gối, giặt chăn ga thường xuyên để loại bỏ tác nhân gây dị ứng.
- Thay khăn mặt định kỳ mỗi 3 tháng.
- Duy trì không gian sống sạch sẽ, thoáng đãng và điều chỉnh độ ẩm hợp lý.
Cuối cùng, giảm căng thẳng qua các hoạt động như yoga, thiền, đọc sách hay nghe nhạc giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, hỗ trợ da khỏe mạnh và hạn chế tình trạng ngứa.