Nám đốm là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

13

Nám đốm là một trong những loại nám khó điều trị nhất, thường xuất hiện ở hai bên gò má, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Loại nám này dễ bị nhầm lẫn với tàn nhang khi chỉ quan sát bằng mắt thường. Vậy liệu nám đốm có thể điều trị dứt điểm được không?

Nám đốm là một trong những loại nám khó điều trị nhất
Nám đốm là một trong những loại nám khó điều trị nhất

Tìm hiểu về nám đốm

Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, nám đốm còn được gọi là nám chân sâu hoặc nám Hori, là loại nám có hình dạng tròn nhỏ với màu nâu hoặc xám đặc trưng. Các vùng nám thường có ranh giới rõ ràng so với vùng da không bị nám.

Nám đốm hình thành do sự gia tăng hắc tố melanin dưới da, được sản sinh bởi các tế bào melanocyte. Loại nám này thường xuất hiện đối xứng ở các vùng như hai bên gò má, cánh mũi, trán và mí mắt.

Đây là loại nám khó điều trị nhất trong các dạng nám. Dù vậy, sau khi điều trị, da có thể cải thiện từ 70% đến 80%.

Các nguyên nhân dẫn đến nám đốm

Nguyên nhân bên trong

Nám đốm chủ yếu do rối loạn nội tiết tố Estrogen, kích thích sản sinh melanin dưới da. Phụ nữ mang thai, sau sinh, hay người bị bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết dễ bị nám hơn. Lão hóa da và yếu tố di truyền cũng góp phần gây nám.

Nguyên nhân bên ngoài

Các yếu tố bên ngoài như sử dụng mỹ phẩm không phù hợp, tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời, ánh sáng từ thiết bị điện tử, và chăm sóc da không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nám đốm.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng nám đốm

Phụ nữ sau sinh và những người bước qua tuổi 30 là đối tượng dễ bị nám đốm, thậm chí một số trường hợp nám chân sâu còn xuất hiện ở người chưa trưởng thành do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, nhiều người dễ nhầm lẫn nám đốm với tàn nhang. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt rõ rệt giữa nám đốm và tàn nhang về màu sắc, hình dạng và vị trí xuất hiện.

    • Màu sắc: Nám chân sâu thường có màu nâu, nâu sữa hoặc màu xám, và màu sắc của nám có thể thay đổi tùy theo cơ địa của từng người.
    • Hình dạng: Nám đốm có hình chấm tròn, mọc thành từng đốm riêng biệt với đường ranh giới phân chia rõ nét.
    • Vị trí xuất hiện: Nám đốm thường xuất hiện đối xứng ở hai bên gò má, mí mắt, vùng cánh mũi, trán và hai bên thái dương.
Nhận biết nám đốm
Nhận biết nám đốm

Phương pháp phổ biến trị nám đốm

Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, nám đốm có đặc điểm là nằm sâu dưới lớp trung bì, vì vậy các phương pháp bôi ngoài da hay peel da thông thường gần như không mang lại hiệu quả. Hiện nay, phương pháp tối ưu để điều trị nám đốm là sử dụng công nghệ laser và công nghệ mài da vi điểm.

Điều trị bằng công nghệ laser: Áp dụng bước sóng và nhiệt, công nghệ laser sẽ phá vỡ liên kết hắc tố. Sau khi điều trị bằng laser, bạn cần duy trì sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chất lượng để giúp da phục hồi và ngăn ngừa nám quay lại. Phương pháp này có ưu điểm là không để lại sẹo và không xâm lấn.

Điều trị bằng công nghệ mài da vi điểm: Phương pháp này tác động sâu đến lớp biểu bì và hạ bì nhú, kích thích tái tạo protein và giúp tái cấu trúc da. Sau khi điều trị, bạn cần duy trì thói quen sử dụng kem chống nắng, kem dưỡng ẩm và vệ sinh da mặt đúng cách. Đặc biệt, không tẩy tế bào chết sau khi đã điều trị da bằng công nghệ mài da vi điểm.

Khi phát hiện có dấu hiệu nám, bạn nên đi khám da liễu để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Tránh tự ý sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Phòng ngừa nám đốm như thế nào?

Nám đốm, giống như các loại nám khác, có thể tái phát nếu bạn không chăm sóc da đúng cách sau khi điều trị. Để ngăn ngừa nám đốm xuất hiện lại, bạn nên áp dụng những phương pháp sau:

    • Bảo vệ da: Luôn sử dụng kem chống nắng và mặc áo chống nắng để hạn chế tối đa sự tiếp xúc của da với ánh nắng. Ngoài ra, vệ sinh da mặt đúng cách, đắp mặt nạ dưỡng da thường xuyên và chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp cũng rất quan trọng.
    • Bổ sung vitamin: Các vitamin như A, C, E, B12 rất cần thiết cho sức khỏe làn da. Bạn nên bổ sung đầy đủ các vitamin này từ rau củ quả, kết hợp uống đủ nước và hạn chế thức ăn cay nóng.
    • Giảm căng thẳng và lo âu: Hãy duy trì tâm trạng thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng, giúp làn da khỏe mạnh.
    • Không thức khuya: Thói quen ngủ muộn có thể làm tăng nguy cơ nám hình thành hoặc tái phát. Hãy đi ngủ sớm để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ và thư giãn.
    • Tránh lạm dụng mỹ phẩm: Mặc dù mỹ phẩm giúp che khuyết điểm, nhưng việc lạm dụng quá mức, đặc biệt là các sản phẩm kém chất lượng, có thể gây tổn thương cho da. Nếu bạn đang điều trị nám, tốt nhất nên tránh sử dụng mỹ phẩm che khuyết điểm.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn