Cảnh báo về nguyên nhân không ngờ gây đục thủy tinh thể

52

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa ở nhiều trường hợp bệnh nhân trên thế giới. Căn bệnh này có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng phổ biến nhất là ở bệnh nhân trong độ tuổi ngoài 50. Hiểu rõ về những nguyên nhân của đục thủy tinh thể chính là cách giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh lý này.

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực

Tìm hiểu về đục thủy tinh thể và phân loại

Theo Thầy Nguyễn Văn Đạt – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cho biết, bệnh đục thủy tinh thể, hay còn gọi là bệnh cườm khô hoặc cườm đá, là tình trạng mắt khiến thị lực bị rối loạn do sự thay đổi cấu trúc protein trong thủy tinh thể. Nguyên nhân có thể do tác động từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Rối loạn cấu trúc protein này dẫn đến sự mờ đục của thủy tinh thể, gây suy giảm thị lực và khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như di chuyển, nhận biết hướng và lái xe. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến mù lòa.

Bệnh này được phân loại theo vị trí và hình thái:

    • Đục nhân: là khi nhân thủy tinh thể bị đục và cứng lại. Ở giai đoạn ban đầu, đục nhân thường làm mờ thị lực khi gặp ánh sáng mạnh, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.
    • Đục vỏ: các nốt đục có thể phát triển và kết hợp thành vùng lớn, cuối cùng tạo thành tình trạng đục thủy tinh thể hoàn toàn.
    • Đục bao: là hiện tượng đục nhỏ ở vùng biểu mô hoặc bao phía trước của thủy tinh thể mà không ảnh hưởng đến lớp vỏ.

Bệnh được phân loại theo mức độ:

    • Đục bắt đầu.
    • Đục tiến triển.
    • Đục gần hoàn toàn.
    • Đục hoàn toàn.

Dù là loại đục thủy tinh thể nào, hậu quả chung là cản trở ánh sáng đi vào võng mạc, gây suy giảm thị lực và mù lòa.

Khi bị đục thủy tinh thể có những triệu chứng gì?

Các dấu hiệu của bệnh thường biểu hiện ở mức độ khác nhau tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh:

    • Ở giai đoạn sớm: Bệnh nhân có thể cảm nhận sự mờ mắt, như có một lớp màng che trước mắt, gặp khó khăn khi lái xe, đặc biệt là vào ban ngày và buổi trưa khi ánh sáng mạnh.
    • Ở giai đoạn muộn: Các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, như thủy tinh thể thay đổi màu sắc, thị lực trở nên kép, nhạy cảm hơn với ánh sáng, mất khả năng nhận biết màu sắc, và xuất hiện các chấm đen trước mắt.
Các triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể
Các triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể

Thầy Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng lưu ý thêm, bệnh thường phát triển âm thầm qua thời gian, nhiều khi bệnh nhân không chú ý đến các dấu hiệu của bệnh. Ngay khi có, chúng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở mắt. Khi bệnh trở nặng và có biến chứng, thì đã là thời điểm muộn.

Nguyên nhân nào gây đục thủy tinh thể?

Bệnh đục thủy tinh thể thường xuất hiện ở người cao tuổi, nhưng cũng có thể do bẩm sinh, chấn thương, hoặc biến chứng từ vấn đề sức khỏe khác. Các nguyên nhân chính bao gồm:

Nguyên nhân đục thủy tinh thể nguyên phát:

    • Bẩm sinh: Bao gồm các rối loạn chuyển hóa, biến chứng từ bệnh lý toàn thân, vấn đề về di truyền.
    • Lão hóa: Nguy cơ lão hóa thủy tinh thể tăng cao theo tuổi tác.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể thứ phát:

    • Mắc các bệnh về mắt như bệnh giác mạc, viêm kết mạc không được điều trị triệt để.
    • Tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử hoặc ánh nắng mặt trời.
    • Cận thị thoái hóa, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý mạn tính, tai biến, chấn thương tại mắt hoặc di chứng sau phẫu thuật mắt.

Điều trị đục thủy tinh thể như thế nào?

Tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ đề xuất các biện pháp điều trị phù hợp, trong đó có:

    • Sử dụng kính hỗ trợ: Ở giai đoạn đầu của đục thủy tinh thể khi chưa gây ảnh hưởng nhiều đến thị lực, bệnh nhân có thể sử dụng kính lúp hoặc các loại kính hỗ trợ để giảm bớt khó khăn trong việc nhìn. Đồng thời, việc chăm sóc mắt hàng ngày và cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Thay đổi thói quen sinh hoạt để mắt được nghỉ ngơi đúng cách và đảm bảo làm việc trong môi trường có đủ ánh sáng cũng cần được quan tâm.
    • Phẫu thuật: Trong trường hợp bệnh nhân không phản ứng tốt với thuốc hoặc không thể sử dụng kính, phẫu thuật thay thế thủy tinh thể bằng thủy tinh thể nhân tạo là một phương pháp điều trị được áp dụng.

Cần nhấn mạnh rằng nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể là rất đa dạng. Việc phát hiện và điều trị bệnh đúng lúc là rất quan trọng để tránh nguy cơ mắt phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, bao gồm cả mất thị lực hoặc mù lòa do đục thủy tinh thể.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn