Các loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm họng

115

Viêm họng là một bệnh rất phổ biến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi. Ngoài việc dùng thuốc, chế độ chăm sóc cơ bản, đặc biệt là dinh dưỡng, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi. Hãy tìm hiểu về những thực phẩm nên hạn chế khi bị viêm họng và cách hỗ trợ điều trị tại nhà.

Viêm họng là một căn bệnh phổ biến hay gặp ở mọi lứa tuổi
Viêm họng là một căn bệnh phổ biến hay gặp ở mọi lứa tuổi

Điều gì gây ra tình trạng viêm họng?

Theo Dược sĩ CK1 Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Dược tại TPHCM cho biết, niêm mạc trong họng, khi chịu tác động, có thể dẫn đến viêm và gây ra tình trạng đau, sưng, và ngứa, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Viêm họng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

    • Virus như cảm cúm, sởi… là những tác nhân phổ biến gây viêm họng và có thể lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp.
    • Sau virus, viêm họng do tác nhân vi khuẩn là một nguyên nhân phổ biến khác. Mặc dù khả năng lây lan của vi khuẩn thấp hơn so với virus, nhưng triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn và có nguy cơ gây biến chứng.
    • Niêm mạc trong họng tiếp xúc với các chất gây dị ứng như bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú cưng, gia vị, hóa chất, không khí ô nhiễm… có thể gây ra viêm họng.
    • Thời tiết giao mùa hoặc không khí khô cũng có thể gây viêm họng, đặc biệt khi cơ thể không kịp thích ứng.
    • Người mắc các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, khối u, polyp, HIV… thường có nguy cơ cao hơn mắc viêm họng và biến chứng nghiêm trọng.

Không nên ăn gì khi đang bị viêm họng?

Nhiều người quan tâm đến việc ăn gì khi bị viêm họng, để hạn chế kích thích niêm mạc và giúp điều trị tốt hơn, bạn cần tránh các loại thực phẩm sau:

    • Thực phẩm cay, nóng: Đối với người bị viêm họng, việc tiêu thụ thức ăn cay, đặc biệt là gia vị như ớt, tiêu, sả, có thể làm triệu chứng đau họng trở nên nặng hơn và gây sưng to niêm mạc, làm khó thở.
    • Đồ chiên, nướng, và thực phẩm khô: Thực phẩm được chế biến ở dạng chiên, nướng hoặc là thực phẩm sấy khô thường rất cứng và giòn. Chúng có thể gây đau và sưng niêm mạc khi tiếp xúc với vùng viêm, làm trầy xước và làm chậm quá trình phục hồi.
    • Đồ uống có gas, cồn: Đồ uống có gas hoặc chứa cồn như rượu, bia, cà phê thường chứa các chất kích thích có thể làm tình trạng viêm họng trở nên nặng hơn. Chúng cũng có thể gây hại sức khỏe nếu sử dụng quá mức. Thay vì đó, nên sử dụng trà gừng, nước chanh ấm, mật ong pha nước ấm để hỗ trợ điều trị viêm họng và tăng cường hệ thống miễn dịch.
    • Thực phẩm và thức uống lạnh: Đồ ăn và đồ uống lạnh như nước đá có thể làm tình trạng viêm họng trở nên nặng hơn và kéo dài quá trình phục hồi, ngay cả khi bạn đang dùng thuốc điều trị.
    • Đồ ngọt: Thực phẩm ngọt như bánh kéo, socola chứa arginine, một thành phần có thể làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Đồng thời, đồ ngọt có thể kích thích tiết dịch nhờn trong cổ họng và gây ho, gây ra tình trạng viêm họng nghiêm trọng hơn.

Theo Giảng viên đang giảng dạy tại Cao đẳng Y Dược TPHCM, nên tránh tiêu thụ những loại thực phẩm và đồ uống này để giúp giảm triệu chứng viêm họng và hỗ trợ quá trình điều trị.

Người bị viêm họng cần tránh những thực phẩm ngọt nếu không muốn tình trạng trở nên tồi tệ hơn
Người bị viêm họng cần tránh những thực phẩm ngọt nếu không muốn tình trạng trở nên tồi tệ hơn

Làm thế nào để giảm triệu chứng viêm họng nhanh chóng?

Ngoài việc ràng buộc việc ăn uống, bạn có thể áp dụng những biện pháp dưới đây để giúp tăng cường quá trình phục hồi khi bị viêm họng:

    • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối ấm, khoảng 3-5 lần mỗi ngày.
    • Bảo vệ vùng cổ bằng cách che chắn và giữ ấm, đặc biệt khi bạn ra ngoài vào buổi sáng sớm, ban đêm hoặc trong thời tiết lạnh.
    • Tắm bằng nước ấm và tránh tắm quá lâu để không gây thêm căng cơ cổ họng.
    • Sử dụng xông hơi để giảm các triệu chứng và giúp tình trạng viêm họng nhanh khỏi.
    • Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa chất kích thích để bảo vệ cổ họng.
    • Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, bổ sung thức phẩm giàu Vitamin C để tăng cường chức năng miễn dịch. Ưu tiên ăn thực phẩm mềm, lỏng để giảm ma sát và không kích thích cổ họng.
    • Tập thể dục đều đặn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
    • Uống đủ lượng nước mỗi ngày, đặc biệt nước ấm để giảm triệu chứng khó chịu do viêm họng. Có thể sử dụng trà gừng, nước chanh ấm pha mật ong, nước nghệ ấm để giúp làm dịu viêm họng.
    • Thường xuyên thông gió phòng để đảm bảo không khí trong phòng luôn sạch và khô ráo.
    • Khi xuất hiện các triệu chứng như đau họng kéo dài, khó thở, sốt, ho khan, ho có đờm, hoặc khàn tiếng, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Không bao giờ tự ý mua thuốc hoặc tự áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào khi chưa có sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn/