Bệnh cúm là một vấn đề phổ biến, nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc cơ thể khi mắc virus cúm. Bằng cách nghỉ ngơi và duy trì chế độ ăn uống đúng cách, cơ thể sẽ sớm hồi phục. Hãy cùng tìm hiểu các loại nước nên uống và những loại nước cần kiêng khi bị cúm để nhanh chóng khỏi bệnh.
Thức uống người bị cúm nên lựa chọn
Theo Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, khi nhiễm virus cúm, người bệnh thường phải đối mặt với một loạt các triệu chứng như sốt cao, sốt kéo dài, đau đầu, đau cơ, đau họng, và nhiều biểu hiện khác. Điều này thường gây nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt là cảm lạnh.
Thường thì, các triệu chứng này sẽ dần giảm và không cần điều trị đặc biệt. Sau khoảng một tuần, bệnh thường tự khỏi và sức khỏe sẽ dần hồi phục. Tuy nhiên, không nên coi thường bệnh cúm, vì trong một số trường hợp, bệnh có thể phức tạp và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong.
Do đó, khi mắc bệnh, việc chăm sóc bản thân đúng cách và thực hiện các biện pháp giảm triệu chứng, phòng tránh biến chứng, và tăng cường quá trình phục hồi là rất quan trọng. Trong đó, việc bổ sung dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng và hiệu quả trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp người bệnh mau khỏi.
Nước lọc
Nước lọc là lựa chọn phổ biến và hiệu quả khi bị cúm. Với tình trạng sốt cao, cơ thể thường mất nhiều nước hơn bình thường, nên việc bổ sung nước là cực kỳ quan trọng. Uống đủ nước giúp cơ thể loại bỏ độc tố, làm mềm đàm để giảm triệu chứng tắc nghẽn mũi, khó thở. Đặc biệt, việc uống nước cũng giúp cung cấp nước và điện giải cho cơ thể.
Nên ưu tiên uống nước ấm để kích thích tiết nước bọt và chất nhầy, giúp làm dịu đường hô hấp và giảm cảm giác khó chịu. Tránh uống nước lạnh vì nó có thể làm co mạch máu và làm giảm lưu thông máu, làm tăng triệu chứng bệnh.
Nước dừa
Nước dừa là một lựa chọn tuyệt vời cho người bị cúm, vì nó giàu chất điện giải và tương đương với thuốc điện giải Oresol. Nước dừa không chỉ dễ uống mà còn có hương vị thơm mát và ngọt ngào, được nhiều người ưa thích. Hơn nữa, nước dừa cung cấp nhiều vitamin C, kali và dưỡng chất khác, giúp hỗ trợ sức khỏe cho người bị sốt cao. Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch, trong khi kali giúp kiểm soát lượng nước trong cơ thể, giảm mệt mỏi.
Nước cam
Cô Nguyễn Thị Thắm – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, nước cam cũng là một lựa chọn tốt cho người bị cúm, bởi nó chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxi hóa mạnh mẽ giúp tăng cường miễn dịch và kích thích tiêu hóa. Nước cam dễ uống và có thể giúp cải thiện tình trạng chán ăn. Tuy nhiên, cần nhớ rằng cơ thể chỉ hấp thụ một lượng vitamin C nhất định mỗi ngày, vì vậy không nên uống quá nhiều nước cam để tránh vấn đề về đường tiêu hóa.
Nước ép củ cải
Nước ép củ cải cũng là một lựa chọn tốt, với lượng chất chống oxi hóa cao, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm triệu chứng cúm.
Nước gừng
Gừng là một thực phẩm phổ biến và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nước gừng có tính ấm, kháng khuẩn và chống viêm, giúp giảm đau đầu và đau cơ. Đây cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho người bị cúm. Đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch và gọt vỏ củ gừng, sau đó cắt thành lát mỏng và ngâm trong nước nóng trong khoảng 5 phút, có thể thêm mật ong để thêm hương vị và dễ uống hơn.
Thức uống người bị cúm nên tránh
Ngoài việc bổ sung các loại nước uống có lợi cho sức khỏe, người mắc cúm cũng cần hạn chế tiêu thụ các loại thức uống sau đây để giảm nguy cơ làm trầm trọng bệnh hoặc kéo dài thời gian bệnh:
-
- Bia và rượu: Đồ uống này có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và làm trầm trọng các triệu chứng cúm. Việc đi tiểu thường xuyên do uống bia và rượu cũng gây mất nước và làm cơ thể yếu đuối hơn.
- Cà phê: Cà phê có thể gây mất nước nghiêm trọng, làm trầm trọng các triệu chứng bệnh và kéo dài thời gian bị bệnh. Do đó, nên tránh uống cà phê khi mắc cúm.
- Trà đặc: Lượng tanin và caffeine trong trà đặc có thể làm mất nước nhanh chóng và làm tăng mệt mỏi. Đồng thời, trà đặc cũng ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt, làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh. Ngoài ra, caffeine và tanin có trong trà đặc cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị triệu chứng. Do đó, khi mắc cúm, nên hạn chế tiêu thụ trà đặc.
- Nước ngọt: Đồ uống này chứa đường tinh luyện, gây hại cho sức khỏe và có thể gây viêm, làm giảm khả năng phục hồi sau nhiễm trùng và tăng nguy cơ biến chứng.
Những loại thức uống này có thể làm chậm quá trình phục hồi của cơ thể sau khi mắc cúm. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường, nên đưa người bệnh đi khám bác sĩ để được chăm sóc kịp thời.