Sán lá gan là gì? Dấu hiệu cảnh báo và phương pháp điều trị

31

Khi nhiễm sán lá gan, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, mệt mỏi,… và trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến xơ gan, ung thư đường mật,… Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết phổ biến của bệnh sán lá gan cùng với các phương pháp điều trị hiệu quả.

Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, mệt mỏi,… khi nhiễm sán lá gan
Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, mệt mỏi,… khi nhiễm sán lá gan

Có mấy loại sán lá gan?

Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, sán lá gan là một loại ký sinh trùng gây bệnh mạn tính, có thể kéo dài nhiều năm. Bệnh được chia thành hai loại chính: sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn, cụ thể như sau:

    • Sán lá gan nhỏ: Bao gồm Clonorchis sinensis, Opisthorchis viverrini và Opisthorchis felineus.
    • Sán lá gan lớn: Bao gồm Fasciola hepatica và Fasciola gigantica.

Cả hai loại sán này đều có hình dạng giống chiếc lá với thân dẹt và bờ mỏng. Tuy nhiên, sán lá gan lớn có kích thước lớn hơn so với sán lá gan nhỏ.

Tại Việt Nam, bệnh sán lá gan xuất hiện ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, số ca nhiễm sán lá gan lớn thường gặp hơn so với sán lá gan nhỏ.

Sán lá gan xâm nhập vào cơ thể như thế nào?

Quá trình nhiễm sán lá gan có thể được chia thành hai giai đoạn chính:

Giai đoạn xâm nhập vào gan

Khi ăn phải thực phẩm hoặc uống nước chứa ấu trùng sán, chúng sẽ theo đường tiêu hóa xuống tá tràng. Tại đây, ấu trùng tách vỏ, xuyên qua thành tá tràng vào phúc mạc bụng, sau đó di chuyển đến gan, tấn công tế bào gan và gây tổn thương nhu mô gan.

Để phản ứng lại, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể nhằm chống lại ký sinh trùng này. Khoảng hai tuần sau khi nhiễm, kháng thể có thể xuất hiện trong máu và được phát hiện qua xét nghiệm. Tuy nhiên, xét nghiệm kháng thể không đủ để khẳng định chắc chắn bệnh nhân có nhiễm sán lá gan hay không. Ngoài gan, sán lá gan cũng có thể xâm nhập và gây tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể.

Giai đoạn xâm nhập vào hệ thống đường mật

Sau khi ký sinh tại nhu mô gan, sán lá gan có thể di chuyển vào hệ thống đường mật, nơi chúng có thể cư trú trong nhiều năm. Tại đây, sán trưởng thành đẻ trứng, trứng theo đường mật xuống ruột rồi được đào thải ra ngoài qua phân, trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng.

Các triệu chứng của sán lá gan

Các triệu chứng của sán lá gan

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, hầu hết các trường hợp nhiễm sán lá gan không có triệu chứng rõ ràng, thậm chí nhiều bệnh nhân không hề nhận biết mình mắc bệnh. Vì vậy, nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã xuất hiện biến chứng. Dưới đây là một số triệu chứng có thể gặp ở người nhiễm sán lá gan:

    • Đau bụng: Cơn đau thường âm ỉ, có thể lan ra sau lưng.
    • Rối loạn tiêu hóa: Có thể gặp tình trạng tiêu chảy hoặc khó tiêu.
    • Sốt: Đặc biệt ở giai đoạn cấp tính.
    • Chóng mặt: Cảm giác hoa mắt, mệt mỏi.
    • Biểu hiện trên da: Da có thể nổi mề đay, tái xanh hoặc vàng do thiếu máu.
    • Gan sưng to: Có thể sờ thấy hoặc cảm giác tức vùng gan.
    • Bụng chứa dịch: Trường hợp nặng có thể xuất hiện cổ trướng.
    • Toàn thân suy nhược: Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.

Điều trị sán lá gan như thế nào?

Nếu được chẩn đoán nhiễm sán lá gan, bạn không nên quá lo lắng. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh sẽ được kê đơn thuốc đặc trị và được hướng dẫn các biện pháp nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, người mắc bệnh cấp tính, suy gan, suy thận nặng cần thận trọng khi điều trị.

Biện pháp phòng ngừa sán lá gan:

    • Ăn chín, uống sôi: Tránh các món ăn tái, sống như gỏi cá, ốc, rau sống mọc dưới nước.
    • Giữ vệ sinh tay: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với đồ bẩn.
    • Sử dụng nước sạch: Đảm bảo nước dùng trong nấu ăn và sinh hoạt không bị ô nhiễm.
    • Vệ sinh trong trồng trọt: Không tưới rau bằng phân tươi để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
    • Tẩy giun định kỳ: Mỗi 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn