Nóng cổ họng : Nguyên nhân phổ biến và cách điều trị

14

Cảm giác nóng rát ở cổ họng là tình trạng vùng cổ họng bị nóng, đôi khi kèm sưng đau, khó nuốt,… tùy thuộc vào nguyên nhân. Dưới đây là 9 nguyên nhân gây ra nóng cổ họng và các cách khắc phục hiệu quả.

Cảm giác nóng cổ họng đôi khi kèm sưng đau, khó nuốt
Cảm giác nóng cổ họng đôi khi kèm sưng đau, khó nuốt

Những nguyên nhân phổ biến gây nóng cổ họng

Theo chia sẻ từ Dược sĩ CK1 Nguyễn Quốc Trung – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây ra cảm giác nóng rát ở cổ họng:

Cảm lạnh: Đây là bệnh phổ biến với các triệu chứng điển hình như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì, ho, đau đầu, sốt nhẹ, và đặc biệt là nóng rát ở cổ họng. Cảm lạnh thường do virus gây ra và thường tự khỏi sau vài ngày nếu bạn nghỉ ngơi, uống đủ nước và chăm sóc cơ thể tốt.

Cảm cúm: Tương tự cảm lạnh, nhưng cảm cúm có thể đi kèm các triệu chứng nặng hơn như sốt cao, ớn lạnh, đau nhức cơ, mệt mỏi. Nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần hoặc có hiện tượng cổ cứng và khó nuốt, bạn cần đi khám bác sĩ để được kiểm tra.

Nhiễm bạch cầu đơn nhân: Do virus Epstein-Barr gây ra, bệnh này có các triệu chứng giống cảm cúm nhưng còn có thể gây sưng hạch bạch huyết ở cổ và nách, nổi ban đỏ trên cơ thể. Bệnh chủ yếu cần nghỉ ngơi, bổ sung nước. Nếu có sốt cao và đau nhức nhiều, có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt không kê đơn.

Viêm amidan: Nếu bạn cảm thấy cổ họng nóng rát và đau khi nuốt, nguyên nhân có thể là viêm amidan. Các triệu chứng khác thường gặp gồm sốt, mệt mỏi và đau đầu. Bệnh có thể kéo dài từ 4 đến 10 ngày, và bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn khi cần thiết.

Viêm họng: Thường do nhiễm liên cầu khuẩn gây ra, viêm họng đi kèm với cảm giác nóng rát, sưng đỏ ở cổ họng, đau đầu và buồn nôn. Trường hợp này cần được thăm khám để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.

Trào ngược dạ dày – thực quản: Đây là nguyên nhân phổ biến gây nóng rát cổ họng. Triệu chứng này thường đi kèm với cảm giác ợ chua, đầy bụng và khó tiêu do dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản. Tình trạng này thường trở nên nặng hơn sau khi ăn hoặc vào buổi tối khi nằm nghỉ.

Có nhiều nguyên nhân gây nóng cổ họng
Có nhiều nguyên nhân gây nóng cổ họng

Viêm thực quản: Cô Nguyễn Thị Trúc Li – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cũng cho biết thêm, là biến chứng từ trào ngược dạ dày – thực quản, viêm thực quản gây khó nuốt, đau khi nuốt và nóng rát cổ họng sau khi ăn. Người bệnh thường cảm thấy rất khó chịu do ợ nóng.

Hội chứng chảy dịch mũi sau: Dịch nhầy từ mũi chảy xuống cổ họng thay vì chảy ra ngoài, gây nóng rát và cảm giác muốn ho để loại bỏ dịch nhầy. Nguyên nhân thường do cảm lạnh, viêm mũi, viêm xoang hoặc dị ứng.

Hội chứng miệng bỏng rát: Đây là nguyên nhân ít gặp nhưng có triệu chứng nóng rát nghiêm trọng từ miệng lan xuống họng, đôi khi kèm cảm giác có vị mặn hoặc vị kim loại.

Phương pháp khắc phục tình trạng nóng cổ họng tại nhà

Để giảm cảm giác nóng rát ở cổ họng, bạn có thể thực hiện các cách sau:

    • Súc miệng bằng nước muối: Súc miệng với nước muối 2 – 3 lần mỗi ngày giúp sát khuẩn và giảm viêm. Khi niêm mạc họng giảm sưng, cảm giác nóng rát sẽ thuyên giảm.
    • Uống nước ấm với mật ong: Mật ong có tính kháng viêm, giúp làm dịu vùng họng. Pha 1 – 2 thìa mật ong với nước ấm, uống vào buổi sáng và tối. Bạn có thể thêm vài lát gừng hoặc chanh để tăng hiệu quả.
    • Ngậm kẹo trị đau họng: Kẹo ngậm chứa tinh dầu và hoạt chất kháng viêm giúp giảm kích ứng cổ họng. Tuy nhiên, lưu ý tránh để trẻ nhỏ ngậm để tránh nguy cơ hóc.
    • Xông hơi: Nếu nóng cổ họng kèm nghẹt mũi, xông hơi với tinh dầu tràm, sả hoặc bạc hà sẽ giúp làm dịu đường hô hấp. Tắm nước ấm cũng có thể làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
    • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi và uống đủ nước giúp cơ thể hồi phục, đặc biệt nếu nguyên nhân là do virus. Tránh nói to và hạn chế căng thẳng để ngăn triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Nếu sau khi áp dụng các biện pháp trên mà tình trạng nóng rát kéo dài hơn 2 tuần, kèm theo khó thở, chóng mặt hoặc đau ngực, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn