Nội dung tóm tắt
Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ là một bệnh lý phổ biến, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh? Dấu hiệu nhận biết như thế nào?… Việc hiểu rõ những vấn đề này sẽ giúp các bậc phụ huynh trang bị thêm kiến thức cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ tốt hơn.

Nguyên nhân gây ra nhiễm tùng đường tiểu ở trẻ
Theo Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, khoảng 5 – 8% bé gái và 1 – 2% bé trai bị nhiễm trùng đường tiểu khi lên 5 tuổi. Đây là bệnh lý phổ biến, đứng thứ ba sau nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa, cho thấy mức độ thường gặp ở trẻ em. Vậy nhiễm trùng đường tiểu là gì và nguyên nhân do đâu?
Nhiễm trùng đường tiểu là gì?
Nhiễm trùng đường tiểu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây bệnh ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu, bao gồm:
-
- Thận: Lọc các chất cặn bã, nước thừa từ máu để tạo thành nước tiểu.
- Niệu quản: Dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang.
- Bàng quang: Lưu trữ nước tiểu trước khi thải ra ngoài.
- Niệu đạo: Đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể.
Bé gái có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao hơn bé trai do niệu đạo ngắn, vi khuẩn từ hậu môn dễ xâm nhập vào niệu đạo và âm đạo.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ
Vi khuẩn E.coli là tác nhân chính, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Ngoài ra, bệnh còn do:
-
- Vi khuẩn khác: Klebsiella, Proteus, liên cầu nhóm B…
- Virus: Adenovirus, Enterovirus, Coxsackievirus…
- Nấm: Candida.
Bệnh có thể lây qua đường máu, lây nhiễm từ cơ quan lân cận hoặc theo đường ngược dòng. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ gồm:
-
- Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu như trào ngược bàng quang – niệu quản, hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, thận ứ nước, sỏi thận.
- Táo bón, tiêu chảy kéo dài.
- Vệ sinh kém, nhiễm giun sán, sử dụng xà phòng không phù hợp.
- Tật dính môi lớn ở bé gái hoặc hẹp bao quy đầu ở bé trai.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, thông thường, các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ lớn dễ nhận biết hơn do trẻ có thể tự mô tả những khó chịu gặp phải. Trong khi đó, ở trẻ nhỏ, dấu hiệu bệnh thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em:
-
- Trẻ sơ sinh: Quấy khóc, bỏ bú, sốt cao, tiêu chảy, vàng da…
- Trẻ lớn: Đau vùng bụng dưới, sốt kèm theo cảm giác khó chịu.
- Rối loạn tiểu tiện: Trẻ có cảm giác đau rát khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục hoặc có lẫn máu.
- Rối loạn tiêu hóa: Một số trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
- Mệt mỏi, chán ăn: Trẻ ăn ít, tăng cân chậm, cơ thể suy nhược.
- Nếu trẻ sốt cao, ớn lạnh kèm đau vùng hông, có thể là dấu hiệu của viêm bể thận hoặc viêm thận.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiễm trùng đường tiểu có thể gây biến chứng nguy hiểm, bao gồm: nhiễm trùng huyết, tổn thương thận, hoại tử ống thận, thận ứ mủ, sẹo thận dẫn đến suy thận mạn tính…
Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ
Việc điều trị nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của trẻ.
-
- Điều trị tại nhà: Đa số trường hợp được chỉ định dùng kháng sinh đường uống dưới sự giám sát của phụ huynh.
- Điều trị nội trú: Những trường hợp nặng có thể cần nhập viện để theo dõi, truyền dịch hoặc sử dụng kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
Dù điều trị tại nhà hay trong bệnh viện, cha mẹ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, dùng kháng sinh đúng liều, đúng thời gian. Không tự ý điều chỉnh liều, ngưng thuốc sớm hoặc kéo dài thời gian sử dụng. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh đường tiểu, hướng dẫn trẻ đi vệ sinh đúng cách, uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, chất xơ và vitamin. Có thể cho trẻ uống nước ép từ rau, củ, quả nguyên chất để hỗ trợ quá trình hồi phục.