Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh u não lành tính

104

U não lành tính có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, khi khối u phát triển lớn, có thể đe dọa các cơ quan não và gây hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Vậy, dấu hiệu và nguyên nhân gây ra u não lành tính là gì, và làm thế nào để điều trị một cách hiệu quả?

U não lành tính có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị kịp thời
U não lành tính có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị kịp thời

Các dấu hiệu khi mắc u não lành tính

Theo Dược sĩ CK1 Lý Thanh Long – Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, u não lành tính xuất hiện khi các tế bào trong não phát triển và hình thành khối u, nhưng không phải là ung thư hoặc khối u ác tính. Khối u này phát triển chậm, không xâm lấn và không di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể. Một số loại u não lành tính phổ biến bao gồm u màng não, u thần kinh ngoại biên, u tuyến yên, u sọ hầu, khối u cuộn tĩnh và u tuyến tùng.

Dấu hiệu của u não lành tính phụ thuộc vào vị trí, tốc độ phát triển của khối u và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:

Khi khối u tăng áp lực nội sọ:

    • Đau đầu: Đây là triệu chứng điển hình nhất. Nhiều người nhầm lẫn đau đầu do u não với đau đầu do tiền đình hoặc áp lực công việc.
    • Co giật: Một số bệnh nhân có thể bị co giật, nhưng không quá thường xuyên.
    • Buồn nôn và nôn: Buồn nôn thường xuất hiện vào buổi sáng, và sau khi nôn, người bệnh sẽ cảm thấy giảm đau đầu và mệt mỏi. Triệu chứng này thường lặp lại hàng ngày và không giảm khi dùng thuốc.
    • Hoa mắt, chóng mặt, thị lực suy giảm: Do khối u chèn ép lên các mạch máu và dây thần kinh trong não.
    • Mất thăng bằng và phương hướng.
    • Trí nhớ suy giảm, mất tập trung, thay đổi tâm trạng và hành vi: Nhiều bệnh nhân trở nên cáu gắt và căng thẳng.

Dấu hiệu dựa vào vị trí khối u:

    • Khối u ở thùy trán: Bệnh nhân có thể bị suy yếu hoặc tê chân tay.
    • Khối u ở thùy thái dương: Bệnh nhân gặp vấn đề về thính giác, phản xạ ngôn ngữ, thay đổi tâm lý và cách giao tiếp, suy nghĩ tiêu cực.
    • Khối u ở thùy chẩm: Bệnh nhân gặp vấn đề về thị lực.
    • Khối u ở thùy đỉnh: Bệnh nhân khó nhận thức về khoảng cách, không gian, gặp khó khăn trong đọc, viết và suy nghĩ.
    • Khối u ở vùng tiểu não: Bệnh nhân khó giữ thăng bằng, gặp khó khăn trong vận động, ăn uống và tê cơ mặt.
    • Khối u ở thân não: Bệnh nhân có xu hướng rối loạn nhịp tim, huyết áp biến động và khó thở.
    • Khối u ở tuyến yên: Bệnh nhân gặp rối loạn trong sản xuất hormone, hay đổ mồ hôi, tăng cân bất thường và thường xuyên cảm giác lạnh.
Các dấu hiệu khi bị u não lành tính
Các dấu hiệu khi bị u não lành tính

Cô Trương Thị Thanh Nga – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, khi gặp các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm về sau.

Nguyên nhân nào hình thành khối u lành tính?

U não lành tính xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

    • Thói quen ăn uống: Sử dụng nhiều rượu bia, thực phẩm không lành mạnh như đồ ăn nhanh, xúc xích, thịt chế biến sẵn, và thực phẩm lên men làm tăng khả năng tích tụ độc tố và đột biến ADN.
    • Thói quen sinh hoạt không khoa học: Thường xuyên ngủ muộn, không đủ giấc, ít vận động, và sử dụng thiết bị điện tử nhiều có thể gây rối loạn giấc ngủ và thay đổi nhịp sinh học của tế bào.
    • Sử dụng chất kích thích và thuốc lá lâu năm: Hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây u não mà còn ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ thể.
    • Môi trường độc hại: Tiếp xúc với bức xạ và phóng xạ có thể làm tổn thương ADN và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, bao gồm u não.
    • Yếu tố di truyền: Gia đình có người từng mắc bệnh u não có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Điều trị u não lành tính như thế nào?

Thường thì, khi bệnh được xác định là u não lành tính, các bác sĩ thường áp dụng các phương pháp điều trị sau:

    • Phẫu thuật: Đây là phương pháp phổ biến nhất, trong đó khối u sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Quá trình này có thể sử dụng phẫu thuật mở hộp sọ, phẫu thuật bằng tia năng lượng hoặc nội soi thần kinh, hoặc xạ phẫu để loại bỏ khối u.
    • Xạ trị: Trong những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc không thể loại bỏ hết khối u, bác sĩ có thể áp dụng xạ trị để loại bỏ khối u nằm sâu trong não.
    • Hóa trị: Sử dụng các hóa chất mạnh kết hợp với phẫu thuật để tiêu diệt các khối u và ngăn chặn sự tái phát. Quá trình hóa trị có thể kéo dài trong vài tháng, tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
    • Sử dụng thuốc hỗ trợ: Bao gồm thuốc giảm đau, giảm buồn nôn, chống co giật, steroid và thuốc chống viêm não để giảm các triệu chứng của u não.

Bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt sau quá trình điều trị. Họ cần thư giãn, cải thiện tinh thần và thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học để giảm nguy cơ tái phát bệnh. Đồng thời, quan trọng là thực hiện thăm khám và theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bất kỳ biến chứng nào trong giai đoạn sớm.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn