Viễn thị là gì và điều trị như thế nào?

107

Viễn thị là một vấn đề thị giác phổ biến, thường bị nhầm lẫn với lão thị do có những triệu chứng tương tự. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về viễn thị là gì và cách điều trị tình trạng này bằng những phương pháp hiệu quả nhất.

Viễn thị thường bị nhầm lẫn với lão thị
Viễn thị thường bị nhầm lẫn với lão thị

Các nguyên nhân gây ra viễn thị

Theo Cô Lê Anh Đào – Giảng viên Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, khái niệm viễn thị tuy quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Viễn thị là tình trạng không thể nhìn rõ các vật ở gần, nhưng có thể nhìn thấy rõ các vật ở xa. Điều này khiến người bị viễn thị khó tập trung, và khi viễn thị nặng, bệnh nhân chỉ có thể nhìn rõ các vật ở rất xa, có nguy cơ tiến triển thành nhược thị nếu không được điều trị kịp thời.

Viễn thị xảy ra do vấn đề khúc xạ của mắt, cụ thể là trục trước và sau của giác mạc quá ngắn hoặc giác mạc bị dẹt quá mức. Điều này khiến hình ảnh hội tụ lại ở phía sau võng mạc thay vì trên võng mạc như ở mắt bình thường.

Các nguyên nhân chính gây ra viễn thị bao gồm:

    • Thói quen hay nhìn xa: Thủy tinh thể phải vận động đàn hồi quá mức khi thường xuyên nhìn xa. Qua thời gian, thủy tinh thể mất dần tính đàn hồi và khả năng điều tiết, dẫn đến viễn thị.
    • Di truyền: Nếu cả bố và mẹ đều bị viễn thị, con cái sinh ra có nguy cơ cao mắc bệnh này từ khi chào đời.
    • Lão hóa: Khi chúng ta già đi, thủy tinh thể mất dần sự đàn hồi, dẫn đến viễn thị.

Viễn thị có dấu hiệu gì và cách phân biệt viễn thị với lão thị

Ngoài thắc mắc “viễn thị là gì”, nhiều người cũng rất quan tâm đến các triệu chứng của viễn thị để có thể nhận biết bệnh sớm và chữa trị kịp thời. Một số dấu hiệu viễn thị thường gặp bao gồm:

    • Mỏi mắt: Người bị viễn thị thường cảm thấy mắt mỏi khi nhìn gần, nhưng nhìn xa thì rõ nét và dễ dàng hơn.
    • Đau đầu: Đau thái dương, đau nhức đầu, cảm giác nặng tức ở trán là các triệu chứng phổ biến.
    • Cố gắng điều tiết: Để nhìn rõ sự vật, người bệnh phải cố gắng điều tiết mắt, thậm chí co kéo lông mi, lông mày, và các cơ trên trán. Thói quen này có thể dẫn đến hình thành nếp nhăn và tạo ra “bộ mặt viễn thị.”
    • Lạc mắt: Đôi mắt của người bị viễn thị có chiều hướng xoay vào trong.
Các dấu hiệu khi bị viễn thị
Các dấu hiệu khi bị viễn thị

Thầy Nguyễn Văn Đạt – Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM cũng cho biết thêm, viễn thị và lão thị là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn vì có triệu chứng tương tự. Để phân biệt, cần chú ý những điểm sau:

    • Nguyên nhân: Lão thị là do mắt giảm khả năng điều tiết do tuổi cao, giống như tóc bạc hay nếp nhăn khi chúng ta già đi. Viễn thị có thể xảy ra ở người trẻ.
    • Triệu chứng: Khi bị lão thị, bệnh nhân khó tập trung quan sát sự vật ở gần và cần điều tiết mắt ngay cả khi nhìn gần. Tuy nhiên, khi nhìn xa thì không cần điều tiết mắt, khác với viễn thị.
    • Điểm giống nhau: Cả viễn thị và lão thị đều khiến việc nhìn gần khó khăn và nhìn xa dễ dàng hơn. Cả hai có thể được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Không điều trị viễn thị được không?

Nếu có biểu hiện nghi ngờ bị viễn thị, bạn nên đi khám để được các bác sĩ nhãn khoa điều trị bệnh sớm. Nếu để lâu, viễn thị có thể gây ra những biến chứng sau:

    • Giảm chất lượng cuộc sống: Viễn thị có thể khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, trong công việc và học tập.
    • Khó chịu và mất an toàn: Khi mắt kém và cảm thấy khó chịu, người bệnh không cảm thấy an toàn khi di chuyển và dần mất đi cảm giác thú vị khi quan sát sự việc.
    • Ảnh hưởng đến trẻ em: Trẻ em bị viễn thị sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập. Trẻ sẽ rất khó tập trung quan sát khi học bài, luôn phải căng mắt, nheo mắt mới có thể nhìn rõ. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ mỏi mắt và đau đầu, nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến nhược thị.

Phương pháp điều trị viễn thị

Hiện nay, phương pháp điều trị viễn thị phổ biến là đeo kính thuốc. Tác dụng của loại kính này là thay đổi điểm hội tụ của hình ảnh trên giác mạc của người bệnh. Người bệnh có thể sử dụng kính có gọng hoặc kính áp tròng. Không cần phải đeo kính 24/24, người bệnh có thể đeo kính khi làm việc hoặc khi cần nhìn rõ các vật ở khoảng cách gần.

Khi lựa chọn kính thuốc, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

    • Đảm bảo hiệu quả và thẩm mỹ: Nên chọn tròng kính phi cầu có độ chiết suất cao, với lớp chống lóa và chống phản chiếu để giúp mắt dễ chịu và tăng thẩm mỹ.
    • Đối với trẻ em: Nên chọn kính làm từ polycarbonate. Chất liệu này nhẹ, chịu lực tốt, rất an toàn cho trẻ em và những người thường xuyên hoạt động ngoài trời.

Ngoài ra, bệnh nhân nên thực hiện một số bài tập để cải thiện sức khỏe mắt và giảm độ viễn, chẳng hạn như tập vẽ tranh, tô màu, và các bài tập nhìn gần. Đồng thời, cần đi khám mắt định kỳ để bác sĩ theo dõi và xử lý kịp thời nếu có bất thường.

Nguồn: https://caodangyduocdongnai.edu.vn